KHI ĐI KHÁM TẠI BỆNH VIỆN, BẠN CẦN LÀM NHỮNG XÉT NGHIỆM NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN CHÍNH XÁC MÌNH MẮC HEN PHẾ QUẢN?

Nếu nghi ngờ bị hen phế quản, bạn nên đến gặp bác sĩ để được xác định chẩn đoán. Khi đó, ngoài thăm khám và một số xét nghiệm như chụp X-quang phổi, Xét nghiệm lẩy da hay định lượng IgE đặc hiệu, Đo FeNO thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn đo chức năng phổi bằng máy hô hấp ký hay lưu lượng đỉnh kế. Cho đến thời điểm hiện nay, hô hấp ký vẫn là công cụ có giá trị nhất để chẩn đoán hen/suyễn và được chấp nhận như là tiêu chuẩn vàng. Nếu đo hô hấp ký thì bạn sẽ được cho ngậm một ống thổi và sẽ phải hít vào thở ra theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. Nếu bác sĩ cho bạn chỉ định thử thuốc dãn phế quản thì sau khi đã đo hoàn tất hô hấp ký lần 1, bạn sẽ được cho xịt thuốc dãn phế quản (Ventolin) rồi đo lại lần hai để tìm hiểu sự thay đổi giữa hai lần đo qua đó giúp bác sĩ tìm ra chẩn đoán.

Đây là một xét nghiệm không xâm lấn (không làm bệnh nhân đau) và hoàn toàn không độc hại. Khi phân tích kết quả, các bác sĩ sẽ xác định xem bạn có bị tắc nghẽn đường thở hay không, mức độ tắc nghẽn nặng hay nhẹ và có đáp ứng với thuốc dãn phế quản hay không. Dựa vào những thông tin này (kết hợp với hỏi bệnh sử và khám lâm sàng) các bác sĩ sẽ quyết định bạn có bị hen phế quản hay không. Nếu bạn đến khám ở những nơi không có hô hấp kế mà chỉ có lưu lượng đỉnh kế (một công cụ rất đơn giản để đo sức mạnh hơi thở ra của bạn) thì bạn sẽ được cho đo chỉ số lưu lượng đỉnh 2 lần mỗi ngày trong một thời gian để xem sự thay đổi của chỉ số này. Sự biến thiên (thay đổi) từ 20% trở lên trong 3 ngày/tuần liên tiếp 2 tuần là dấu hiệu rất tốt để gợi ý bệnh hen phế quản.

Riêng với trẻ em, ngoài các xét nghiệm, thăm khám, các bác sĩ có thể chỉ định điều trị thử, nếu có đáp ứng thuốc giãn phế quản và hoặc đáp ứng với Điều trị thử (4-8 tuần) và xấu đi khi ngưng thuốc thì có thể dùng làm căn cứ chẩn đoán hen.

Mặc dù không phải người có chuyên môn nhưng người bệnh cũng cần biết những thông tin cơ bản về bệnh lý của mình và những xét nghiệm có thể mình sẽ phải thực hiện để khi đi thăm khám có thể trao đổi thêm với bác sỹ. Ngoài kết quả chẩn đoán của bác sỹ có thể tham vấn thêm thông tin của các bác sỹ chuyên khoa hô hấp qua tổng đài 1800 5454 35 để tăng tính khách quan và chính xác khi chẩn đoán bệnh cũng như tăng cơ hội điều trị và hiệu quả điều trị.