Hen phế quản là một danh từ bệnh học của y học hiện đại. Hiện nay, một số tác giả cho rằng hen phế quản không phải là một bệnh mà là một hội chứng vì không bao giờ xác định được nguyên nhân chính xác cùng với các giải phẫu bệnh lý không đặc hiệu (Godard, P. 1996). Phần lớn các tác giả coi hen phế quản có đặc điểm bệnh lý là sức cản đối với lưu lượng khí trong cây khí phế quản dao động trong các thời kỳ ngắn (Crofton, J. 1989, Fraser – Paré 1991). Với lịch sử hàng nghìn năm, Đông y cũng có những góc nhìn khác biệt khi bàn về căn nguyên sinh hen phế quản. 

NGUYÊN NHÂN GÂY RA HEN PHẾ QUẢN (HEN SUYỄN) THEO TÂY Y

Căn nguyên sinh bệnh hen có thể là kết quả của sự phối hợp nhiều yếu tố nguy cơ, gồm yếu tố bản thân và yếu tố môi trường. Các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn tới hen phế quản bao gồm:

1. Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí không chỉ là do bụi bẩn. Một số yếu tố khác góp phần gây ô nhiễm không khí. Thuốc lá là một yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh hen dù là hút thuốc thụ động hay chủ động.

Ô nhiễm không khí do khói bụi, cháy rừng, than củi, ozon,… cũng là những nguyên nhân gây bệnh hen.
Một số hóa chất lẫn trong không khí cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Những người mẫn cảm với xà bông, mùi nước hoa, mùi xăng hoặc sơn cũng có thể mắc bệnh hen.

2. Các rối loạn hô hấp

Các rối loạn hô hấp thường gặp như lạnh, viêm họng, đau họng, cúm, viêm xoang và viêm phổi nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến hen. Ở trẻ nhỏ, các rối loạn hô hấp trên là nguyên nhân phổ biến gây bệnh hen.

3. Yếu tố thời tiết

Thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt là không khí lạnh và gió khô cũng có thể gây bệnh hen.

4. Thể hiện cảm xúc

Khi bạn cố gắng thế hiện cảm xúc như cười lớn, phấn khích, sợ hãi, khóc, tức giận hoặc la hét, bạn sẽ cảm thấy hơi thở thay đổi, kể cả nếu bạn là người không bị bệnh.

5. Tập thể dục

Chúng ta đều biết tập thể dục là hoạt động thể chất tốt. Tuy nhiên, nếu bạn tập luyện trong không khí lạnh và bạn dễ bị hen, việc thở sâu và không khí lạnh có thể dẫn đến tái phát bệnh hen. Do đó, bạn cần điều trị thích hợp, không cần hạn chế tham gia các hoạt động thể chất nhưng nên lưu ý điều kiện môi trường xung quanh.

6. Dị ứng

Tác nhân dị ứng thông thường dẫn đến bệnh hen bao gồm gián, nhện, phấn hoa, các loài gặm nhấm và nấm mốc.

Nếu bạn nuôi thú cưng, bạn cần giữ chúng sạch sẽ vì lông động vật đã được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn.

7. Các yếu tố khác

Một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chẹn beta là nguyên nhân gây bệnh hen.

Ở bệnh nhân đã mắc hen phế quản, khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng đường thở từ môi trường có thể làm khởi phát cơn hen cấp. Một số tác nhân cơ bản thường gây cơn hen cấp tính là:

- Thay đổi thời tiết, ban đêm.
- Phấn hoa theo mùa
- Bụi, nấm mốc,vật nuôi, các thành phần của côn trùng
- Thực phẩm như cá, trứng, đậu phộng, sữa bò, đậu nành
- Nhiễm trùng hô hấp: chẳng hạn như cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang
- Thuoc: Như as-pi-rin, các thuoc kháng viêm không stê rôid khác…
- Hút thuốc lá, khói, mùi hóa chất, nước hoa.
- Bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)
- Gắng sức, cảm xúc như: cười, khóc, hò hét, đau buồn...

Không phải tất cả những người bị hen phế quản đều bị phản ứng với cùng một tác nhân, hay nói cách khác tác nhân đối với người này nhưng chưa chắc đã phải là tác nhân của người khác.

CĂN NGUYÊN SINH HEN PHẾ QUẢN (HEN SUYỄN) THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Trong y học cổ truyền phương Đông, từ những y văn cổ kinh điển như “Hoàng đế - Nội kinh” thế kỷ thứ V-III trước CN đã đề cập tới một tình trạng bệnh lý: biểu hiện trên lâm sàng khó thở, khó thở từng cơn, khi thở thì gấp gáp, hơi đưa lên thì nhiều, hơi đưa xuống thì ít và được gọi là suyễn, với đặc điểm nữa là khi thở còn phát ra tiếng cò cử ở trong cổ họng. Tình trạng bệnh lý này thường đi cùng với nhau và được gọi dưới một tên chung là háo suyễn. Háo suyễn với những biểu hiện lâm sàng rất gần với hen phế quản của y học hiện đại.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của chứng háo suyễn dưới góc độ của Đông y đã được nhiều y giả đời xưa bàn đến qua các y văn của mình.

Sách “Thánh tế phương” từ thế kỷ XII-XIII có ghi lại: “thở ra là theo dương mà ra nên khí đưa lên. Thở vào là theo âm mà vào nên khí giáng xuống. Một lần lên, một lần xuống thì âm dương điều hoà. Khi bị bệnh sẽ làm khí nghịch lên, không giáng xuống được mà sinh ra háo suyễn”.

Lưu Hà Gian - một danh y Trung Quốc trong tác phẩm “Hà gian lục thư” đã viết” “Lấy sự tương đối của âm dương mà nói, giữa hình và khí thì hình là âm, khí là dương. Giữa hàn và nhiệt thì hàn là âm, nhiệt là dương. Giữa thăng và giáng thì thăng là dương, giáng là âm. Trong háo suyễn có sự rối loạn cân bằng âm dương - rối loạn thăng giáng khí”.
Theo Chu Đan Khê: “Háo suyễn chủ yếu là do đàm”.

Từ những đàm luận trong  các y văn của y học cổ truyền với thực tế lâm sàng, người đã khái quát lại nguyên nhân phát sinh ra chứng háo suyễn có 2 vấn đề:

Ngoại tà xâm nhập: thường do thời tiết khí hậu trái thường, lục khí sẽ biến thành lục dâm, xâm nhập vào cơ thể mà gây bệnh. Trong đó, những yếu tố ngoại tà đưa đến chứng háo suyễn hay gặp nhất là phong hàn thấp và phong nhiệt thấp. Điều này đã nói rõ những bệnh nhân mắc bệnh này rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết khí hậu, nó thường là những nguyên nhân khởi phát hay làm bùng nổ những cơn cấp trong chứng háo suyễn.

Phế - Thận – Tỳ hư nhược:

-  Tỳ hư mất đi sự kiện vận, tích thấp sinh đàm, dần dần tích luỹ từ trung tiêu mà đưa lên phế, làm phế trướng mãn và phế khí không tuyên thông, khó hạ giáng, làm hô hấp bị trở ngại mà phát thành suyễn. Tỳ hư sinh đàm, đàm dưới dạng nhầy, đục, đặc, do nôn, do khạc ra hay nghe thấy tiếng lọc xọc trong cổ, trong ngực khi ho, khi thở...

-  Phế - thận hư nhược: do chức năng chủ yếu của tạng phế là chủ khí và điều hành hô hấp, cho nên trong Hoàng đế - Nội kinh có nói “hễ là khí cấp - suyễn thở các bệnh chứng thuộc khí phận, ngực, tức đều thuộc phế”. Hô hấp bình thường ngoài dựa vào phế khí túc giáng ra, còn yêu cầu quyền nhiếp nạp của tạng thận. Thận chủ nạp khí, thận có tác dụng hỗ trợ phế khí hít khí và giáng khí. Một khi nguyên khí của thận bị tổn thương, khí mất đi sự nhiếp nạp, thì thở vào không về tới gốc, khí nghịch dồn lên mà thành suyễn. Trong “chứng trị chuẩn thằng” đã nói: “chân nguyên hao tổn, suyễn sinh ra do thận khí dồn lên trên”. Biện chứng háo suyễn đầu tiên cần phải phân  biệt rõ về hư - thực. Trong “Cảnh Nhạc toàn thư” đã chỉ rõ: “Thực suyễn có tà, tà khí thực. Hư suyễn vô tà, nguyên khí hư”. Nhìn dưới góc độ lâm sàng mà nói: thực chứng là chỉ bệnh tương đối ngắn, khó thở, tiếng thở thô, nghe có tiếng đờm lọc xọc. Trị thực chứng cần phải theo pháp điều trị là: định suyễn, giáng khí, hoá đàm với sự quan tâm của hai tạng phế-tỳ. Hư chứng bệnh bắt đầu tương đối hoãn, quá trình bệnh tương đối dài, người bệnh khó thở thường xuyên, khi vận động thì khó thở tăng lên. Trị thể hư chứng chủ yếu lấy bồi bổ nhiếp nạp ở hai tạng phế-thận.

Dù theo quan niệm của Đông y hay Tây y thì các yếu tố môi trường đều có tác động trực tiếp đến bệnh lý hen phế quản (hen suyễn). Vậy nên để kiểm soát hen, ngoài việc dùng thuốc thì việc đầu tiên người bệnh cần làm là hạn chế tiếp xúc với các tác nhân môi trường khiến bệnh hen tiến triển.