KHÁI NIỆM HEN PHẾ QUẢN
Hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn (Asthma) là bệnh lý viêm mạn tính của phế quản trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào (Định nghĩa theo GINA).
Bệnh hen phế quản được biểu hiện bằng 3 cơ chế: viêm mạn tính đường thở, tăng đáp ứng đường thở; giới hạn luồng khí.
- Viêm mạn tính đường thở: Đây là tình trạng thường xuyên của hen phế quản ngay cả khi hen đã được kiểm soát. Tổn thương mạn tính không thể điều trị khỏi hoàn toàn chính là yếu tố chính khiến hen phế quản có thể tái phát sau nhiều năm khi sức đề kháng của người bệnh giảm và thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố gây khởi phát.
- Tăng đáp ứng đường thở: Khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát như dị nguyên, nhiễm khuẩn hô hấp, hít thuốc lá thụ động, ô nhiễm không khí, thay đổi thời tiết, gắng sức, yếu tố tâm lý thì cơ trơn bị co thắt, tăng tiết nhầy, phù nề niêm mạc đường thở.
- Giới hạn luồng khí: Khi đường thở tăng đáp ứng thì luồng khí thở ra bị hạn chế, biểu hiện thành các triệu chứng ho, khò khè, khó thở, nặng ngực.
Các yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến bệnh lý hen gồm có: dị nguyên, nhiễm khuẩn hô hấp, hít thuốc lá thụ động và ô nhiễm không khí. Hen có 2 đặc tính then chốt: bệnh sử các triệu chứng hô hấp (cơn hen cấp tính) biến đổi theo thời gian và cường độ (mức độ nặng nhẹ khác nhau theo thời gian), và sự giới hạn luồng khí thở ra có thể thay đổi. Giữa các cơn hen thì người bệnh cảm thấy bình thường. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người bệnh nghĩ rằng mình đã khỏi bệnh khi thấy các cơn hen không xuất hiện.
Vì viêm đường thở mạn tính (kể cả khi không có triệu chứng thì đường thở vẫn bị viêm) nên việc điều trị hen phế quản là “mạn tính”, nghĩa là cũng cần nhiều thời gian và một điều kém may mắn là cho đến nay chưa có loại thuốc nào chữa trị dứt điểm bệnh hen/suyễn hoàn toàn mà chỉ giúp kiểm soát bệnh này mà thôi.
Khi kiểm soát bệnh tốt nghĩa là:
- Không có triệu chứng hen/suyễn ban ngày.
- Không thức giấc vào ban đêm do hen/suyễn.
- Biết xử trí cơn hen/suyễn tại nhà, không phải đi cấp cứu, bệnh viện vì cơn hen
- Hoạt động thể lực và gắng sức bình thường, không nghỉ học do hen/suyễn.
- Chức năng phổi trở về bình thường.
Khi hen được kiểm soát người bệnh có cuộc sống như người bình thường nhưng không phải người bệnh nào cũng có đủ kiến thức về bệnh và quan tâm đúng mức đến việc điều trị và dự phòng hen. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới trung bình có 3000 người tử vong mỗi năm do hen. Con số này đang tăng nhanh và chỉ đứng sau số tử vong do ung thư, vượt lên trên các bệnh về tim mạch. Thành phố Hồ Chí Minh được coi là "Thủ Đô" của bệnh hen phế quản tại Châu Á với trung bình cứ 10 trẻ thì có 3 trẻ mắc bệnh hen phế quản. Hen làm cho 25% bệnh nhân hen phải nhập viện, 42% trẻ nghỉ học, 29% người lớn nghỉ làm. Chi phí cho bệnh hen phế quản bằng cả hai căn bệnh thế kỷ là LAO và HIV/AIDS cộng lại.